Lịch sử Vú_sữa_Lò_Rèn_Vĩnh_Kim

Nguồn gốc ban đầu

Chuyện xưa kể lại,[lower-alpha 1] trong một buổi tiệc ở nhà ông Huyện Trụ ở xã Long Hưng, có một vị khách mời đến dự tiệc mang tặng chủ nhà mấy trái vú sữa. Ông đã mang ra đãi nhiều người, sau đó mọi người xin hạt về trồng. Về sau chỉ duy nhất hạt của ông thợ rèn Hồ Văn Lễ là lên cây. Thời gian sau, sui gia của ông Lễ là ông chủ Thu, một thầy thuốc đông y, sau khi ăn vú sữa tại nhà ông Lễ đã mang hạt về trồng, ai hỏi thì ông bảo xin ở chỗ ông thợ rèn. Về sau nhiều nông dân đến xin giống cây về trồng, và họ truyền miệng rằng cây giống xin chỗ ông lò rèn.[7] Do địa điểm trồng đầu tiên là một lò rèn chuyên sản xuất nông cụ và người đầu tiên là một thợ rèn[1] nên người dân Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang muốn ghi nhớ công ơn của ông thợ rèn đã nhân giống vú sữa trồng khắp vùng đất này, đặt tên là vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.[8]

Một giai thoại khác thì ông Lê Văn Kỳ là người đầu tiên trồng vú sữa, ông ở cạnh một lò rèn ở Long Hưng.[7] Năm 1942, ông Kỳ chiết cây giống vú sữa cho người thân của mình ở Vĩnh Kim trồng, như ông Võ Phát Thanh, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Minh.[9]

Những năm 1940 đến 2008

Từ những năm 1940, vú sữa Lò Rèn được trồng nhiều nơi ở Vĩnh Kim và các địa phương lân cận.[10] Trong những năm 1970, vú sữa Lò Rèn được xem là loại trái quý, dùng để làm quà biếu sang trọng.[1] Đến năm 1975, cây vú sữa Lò Rèn được nông dân trồng tập trung tại các xã Vĩnh Kim, Long Hưng, Song Thuận, Kim Sơn thuộc huyện Châu Thành, diện tích khoảng 160 ha.[9] Sau năm 1975, tình trạng khủng hoảng lượng thực xảy ra nên vùng chỉ trồng cây ngắn ngày.[7][10]

Từ những năm 1990, Nhà nước bắt đầu có chủ trương phát triển cây trồng này.[11] Bắt đầu từ năm 1999, việc trồng vú sữa bắt đầu lan rộng.[7] Năm 2001, Hội Làm vườn tỉnh Tiền Giang và Hội Làm vườn huyện Châu Thành đã cùng với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tiến hành và thực hiện đề tài "chọn lọc, phục tráng, nâng cao chất lượng vườn cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim".[9]

Năm 2005, Hợp tác xã (HTX) vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim thành lập, nhằm xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.[11] Vào tháng 11 năm 2006 xảy ra Cơn bão số 9 làm gãy đổ 6.000 cây vú sữa trên địa bàn tỉnh. Năm 2007, các xã Bàn Long, Vĩnh Kim, Kim Sơn, Song Thuận và Phú Phong có 100 % diện tích đều trồng chuyên canh cây vú sữa Lò Rèn. 13 xã phía nam quốc lộ 1 của Châu Thành có tổng diện tích trồng là 2.232 ha. Năm 2007, Hội Làm vườn huyện Châu Thành đã cùng với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thực hiện "Chương trình thí điểm đề tài sản xuất cây vú sữa Lò Rèn theo hướng an toàn chất lượng cao (GAP)".[9]

Từ năm 2008 đến nay

Đến tháng 4 năm 2008 thì HTX được cấp chứng chỉ GlobalGAP[11] bởi tổ chức SGS New Zealand limited và cấp code nhà đóng gói cho thị trường Mỹ bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.[8] Vú sữa Lò Rèn của HTX phải thỏa mãn 141 tiêu chí và nông dân trồng vú sữa phải thực hiện 236 yêu cầu khắt khe của GlobalGAP với quy trình vô cùng chặt chẽ và nghiêm ngặt, từ khâu sản xuất cho đến khi sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.[12] Theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhà vườn trồng vú sữa phải thay đổi toàn bộ từ nhận thức đến cách trồng: áp dụng kỹ thuật trồng cây an toàn, tạo trái đẹp, kiểm soát chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ quy trình bón phân, bao trái, ghi nhật ký,...[13]

Tháng 6 năm 2008,[14] Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00044 cho sản phẩm Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.[8]

Đến năm 2009, Tiền Giang đã có 3.000 ha vú sữa trồng tại 17 xã thuộc 2 huyện Châu Thành và Cai Lậy, trong đó 1/3 diện tích là loại vú sữa Lò Rèn, năng suất trung bình 10-15 tấn/ha. HTX có 130 hộ/13 tổ (thuộc 10 xã) tham gia trồng vú sữa theo quy trình GlobalGAP. Diện tích vú sữa của mỗi hộ nông dân bình quân từ 2 - 4 công (2.000m2- 4.000m2), chỉ có một vài hộ trồng vú sữa nhiều như ông Nguyễn Văn Đông ở xã Bàn Long (10.000 m2), hộ ông Võ Văn Xê ở xã Hữu Đạo (14.000 m2).[15] Cho đến năm 2014, HTX có 174 ha vú sữa trong đó 55 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Theo kế hoạch của tỉnh, đến năm 2015, diện tích trồng vú sữa sẽ mở rộng đến 5.000 ha,[16][12] trong đó có 500 hộ nông dân với 250 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.[16]

Canh tác cây vú sữa ở Tiền Giang đã xảy ra nhiều đợt thoái trào, diện tích trồng hay sụt giảm,[10] như giai đoạn năm 2012-2013.[17] Cho đến năm 2018, do bị dịch bệnh và do điều kiện đất đai không còn phù hợp nên diện tích vú sữa Lò Rèn ở xã Vĩnh Kim từ gần 300 ha đã giảm xuống chỉ còn 30 ha.[18][10] Toàn tỉnh Tiền Giang có đến hơn 3.000 ha vú sữa nhưng cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 500 ha.[19] Đến cuối năm 2019, diện tích vú sữa ở Vĩnh Kim chỉ còn 20 ha.[20] Cây vú sữa bị đốn hạ và được nông dân thay thế bằng những cây trồng khác như sầu riêng, dừa, bưởi, sapôchê,...[17]

Đến hôm nay, tại vườn hộ nông dân Nguyễn Văn Ngàn ở Vĩnh Kim có một cây vú sữa hơn 80 năm tuổi được công nhận là cây nguồn giống đầu dòng.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vú_sữa_Lò_Rèn_Vĩnh_Kim http://viencaygiongtrunguong.com/san-pham/vu-sua-l... http://baoapbac.vn/dien-dan/201308/giai-phap-nao-d... http://baoapbac.vn/kinh-te/201402/ve-vinh-kim-nghe... http://agritrade.com.vn/ViewArticle.aspx?ID=796&As... http://www.khoahocchonhanong.com.vn/Vu-sua-Lo-Ren-... http://tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin/?/vu-sua-lo-r... http://www.thtg.vn/vu-sua-lo-ren-hoang-kim-tren-da... https://vnexpress.net/vu-sua-dau-mua-tang-gia-gap-... https://web.archive.org/web/20170426061944/http://... https://web.archive.org/web/20170712151637/http://...